Kiên trì mục tiêu phát triển thành phố thông minh (nay là vùng đổi mới sáng tạo) trong gần một thập kỷ qua, Bình Dương đã gặt hái nhiều “quả ngọt” tiêu biểu. Trong đó, mốc son quan trọng nhất là việc được vinh danh top 1 cộng đồng chiến lược phát triển thông minh trên toàn thế giới năm 2023. Điều đó minh chứng rõ nét rằng, dù đi sau nhưng Bình Dương đã chọn cách đi đúng, đi vững chắc trên con đường phát triển thông minh.
Bình Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên chiếm 12% diện tích miền Đông Nam Bộ. Lựa chọn hướng đi phù hợp với đặc thù của địa phương và xác định đúng những yếu tố cần thiết cho sự phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu quan trọng trong chủ trương lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Dương. Tỉnh xác định những mục tiêu ưu tiên và tầm nhìn chiến lược đổi mới sáng tạo cho từng giai đoạn. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định nhiệm vụ và các khâu đột phá, trong đó có “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng đô thị thông minh”.
Trung tâm điều hành thành phố thông minh. |
Đặc biệt, trong thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tỉnh ủy Bình Dương xác định mục tiêu tổng quát là “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới trong mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao...”.
Bình Dương đã và đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh, trong đó tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cấp hệ sinh thái đổi mới. Tỉnh đang xây dựng Quy hoạch tổng thể mới cho tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với tỉnh, đề án thành phố thông minh không chỉ là cách tiếp cận thành phố thông minh dựa trên công nghệ truyền thống, mà đã trở thành một trong những chiến lược kinh tế - xã hội hàng đầu cho sự phát triển lâu bền của tỉnh.
Trung tâm sản xuất tiên tiến tại Bình Dương. |
Mục tiêu chính của xây dựng đô thị thông minh là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ và tiện ích tốt hơn. Điều này bao gồm cải thiện giao thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an ninh, an toàn, sử dụng tài nguyên môi trường bền vững... Trong quy hoạch tổng thể của Bình Dương đã chú trọng hệ thống giao thông hướng đến mô hình đô thị thông minh, tạo không gian để người dân sinh hoạt, tăng cường không gian xanh để tỉnh trở thành nơi đáng sống, là nơi thu hút và giữ chân nhân tài.
Hướng đi tạo điểm nhấn của Bình Dương là phát triển hệ sinh thái theo mô hình “3 nhà”, mời gọi các bên, các đối tác đến hợp tác cùng nhau xây dựng và đạt được thành công hiện nay. Cách tiếp cận rộng rãi của Bình Dương là liên tục làm việc với nhiều đối tác, nhiều bộ phận để đạt được kết quả trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh việc tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cấp hệ sinh thái đổi mới, hiện Bình Dương cũng đang xây dựng quy hoạch tổng thể mới cho tỉnh.
Bình Dương cũng luôn tập trung hoàn thiện và không ngừng nâng cao chất lượng 6 tiêu chí Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), gồm: Kết nối băng thông rộng; nguồn nhân lực; đổi mới sáng tạo; bình đẳng tiếp cận kỹ thuật số; ủng hộ khích lệ; phát triển bền vững. Bình Dương còn tạo nên nhiều yếu tố khác biệt như: Chương trình nhà ở xã hội, dịch vụ giáo dục... giúp cộng đồng cùng cảm nhận và cùng nhau xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Các khu công nghiệp thế hệ mới đang dần hình thành tại Bình Dương. |
Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương mới đây, ông John Jung, Đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) cho biết, dưới góc nhìn của tổ chức ICF, Bình Dương đang đi đúng mục tiêu đề ra trong việc tập trung cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi sang công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội, giáo dục… là định hướng cho sự phát triển thông minh, bền vững. Ông John Jung bày tỏ ấn tượng với sự thay đổi về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, đặc biệt là định hướng chuyển đổi từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp có giá trị gia tăng cao, tiên tiến, thân thiện môi trường của Bình Dương.
Ông John Jung cũng đánh giá cao, việc đặt con người là trọng tâm phát triển, ưu tiên phục vụ người dân, cộng đồng trong xây dựng thành phố thông minh Bình Dương là hướng đi đúng đắn, trong đó, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Bình Dương là dự án mà đoàn công tác Cộng đồng thông minh thế giới rất ấn tượng nhất. ICF mong muốn Bình Dương xây dựng và phát triển nhiều dự án hơn nữa để người lao động được sống và làm việc ổn định, lâu dài tại Bình Dương.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, tỉnh được tham gia vào ICF và đã học hỏi rất nhiều vào quá trình phát triển. Đồng thời, đây cũng là dịp để Bình Dương giới thiệu, quảng bá hình ảnh đến 200 địa phương của nhiều quốc gia trên thế giới là thành viên của ICF.
Bình Dương luôn sẵn sàng cho “cuộc đua” lên đỉnh cao phát triển mới từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đó là, một trong những tỉnh đầu tiên phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Đây là một thách thức rất lớn, do theo nguyên tắc leo núi, khi càng lên cao thì tốc độ leo càng chậm lại. Việc được vinh danh top 1 cộng đồng chiến lược phát triển thông minh trên toàn thế giới năm 2023 là nguồn động lực lớn để Bình Dương phát triển vững chắc trong thời gian tới.
Bình Dương đang chú trọng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến những ngành nghề có ưu thế, tiềm năng dựa trên đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tài chính xanh, quản trị xanh, phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững. Tỉnh phấn đấu thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi đến thăm và làm việc tại địa phương về xây dựng “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.