Làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Giáo vào sáng qua (5-4), ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Phú Giáo cần phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu để nông sản Phú Giáo có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Giáo, sáng ngày 5-4. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Nhiều lĩnh vực tăng trưởng khá
Sáng qua (5-4), ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Giáo về tình hình phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong quý I, phương hướng nhiệm vụ quý II và năm 2023.
Báo cáo với đoàn công tác của tỉnh, ông Đoàn Văn Đồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết trong quý I-2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo nghị quyết đề ra, nhất là quán triệt và triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều chỉ tiêu về KT-XH đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng trên 11%, so với cùng kỳ và đạt 22% so với kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 2.165 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và đạt trên 17% so với kế hoạch. Thu ngân sách đạt trên 114 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch. Huyện đã giải ngân gần 110 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 14% kế hoạch. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt trên 850 tỷ đồng, tăng trên 3% so với cùng kỳ và đạt 15,7% so với kế hoạch. Trong quý I có thêm 18 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số cơ sở ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao lên 416 cơ sở, gồm 315 cơ sở trồng trọt và 101 trại chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Lợi (thứ 2, hàng đầu, trái qua), tham quan dây chuyền sản xuất tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Bên cạnh đó, trong quý I, huyện Phú Giáo đã quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Bộ máy trong hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn. Công tác dân vận của hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Đoàn Văn Đồng, KT-XH của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ, chi ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công mặc dù có tăng nhưng chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm, nhất là dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, dự án trường Tiểu học An Long... Việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và dự án đầu tư hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Công tác chuyển đổi số của các ngành, xã, thị trấn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu…
Chú trọng nông nghiệp công nghệ cao
Ông Đoàn Văn Đồng cho biết trên cơ sở những kết quả đạt được và hạn chế, tồn tại trong quý I, huyện Phú Giáo sẽ đề ra nhiệm vụ chủ yếu nhằm tập trung thực hiện có hiệu quả trong quý II-2023. Trong đó, huyện sẽ phối hợp giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đối với các công trình chuyển tiếp, các công trình trong danh mục đầu tư công và kế hoạch thu hồi đất năm 2023, nhất là công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, dự án cầu Ba Bi, Ba Điền, trường Tiểu học An Long. Huyện tập trung thực hiện xây dựng NTM nâng cao đối với 10 xã, trong đó thực hiện quyết liệt các giải pháp để 3 xã Phước Hòa, An Bình, Tam Lập đạt chuẩn NTM nâng cao; triển khai nhiệm vụ thực hiện đề án xây dựng làng thông minh trên địa bàn huyện...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực vượt qua khó khăn của huyện Phú Giáo trong quý I-2023. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng mặc dù tình hình chung còn khó khăn nhưng huyện Phú Giáo đã có sự nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách. Đây là hai điểm sáng của huyện trong 3 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy trong bối cảnh chung còn khó khăn, huyện cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ đề ra trong quý II và năm 2023 - năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp.
Về định hướng phát triển của huyện Phú Giáo trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng tiềm năng của Phú Giáo là rất lớn. Đó là quỹ đất dồi dào, hạ tầng kết nối giao thông nội vùng cơ bản hoàn chỉnh. Huyện có vị trí giáp ranh các trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh (huyện Bàu Bàng) và Bình Phước (huyện Đồng Phú). Do vậy, huyện cần chủ động rà soát nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác để phục vụ phát triển. Bên cạnh đó là nâng cấp đô thị và phát triển công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản.
“Vừa qua, huyện đã có kết hợp với một số doanh nghiệp, các trường đại học để nghiên cứu, phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp là thế mạnh của Phú Giáo, do vậy nếu không có quy hoạch nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, xúc tiến thương mại, tổ chức thị trường thì không thể phát triển được. Do đó, các cơ quan liên quan của tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn của người dân, của doanh nghiệp bằng những công việc cụ thể, phải thực sự đồng hành để nông nghiệp của huyện phát triển...”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu địa phương cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển chung của tỉnh, làm sao để phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, huyện cần huy động các nguồn lực của cả xã hội, thúc đẩy KT-XH tăng trưởng ổn định, bền vững và đúng định hướng. Huyện cần chú trọng hơn nữa đến công tác xã hội hóa vào đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại và đồng bộ hơn; quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính, tập trung khai thông các điểm nghẽn thúc đẩy tăng trưởng đồng bộ và ổn định hơn…