(Xây dựng) - Bình Dương là tỉnh có tốc độ đô thị hóa khá cao với tỷ lệ gần 82% và tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt 2 con số từ 13%/năm trở lên. Hơn 20 năm tái lập tỉnh, đến nay các đô thị phía nam là Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một đã không còn quỹ đất phát triển đô thị nên đây là cơ hội cho các huyện phía Bắc, Đông bắc như Phú Giáo, Bàu Bàng phát triển.
Công nghiệp tạo động lực phát triển
Theo báo cáo, năm 2019 Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp toàn ngành của huyện Phú Giáo ước đạt 3.764 tỷ đồng, tăng 13,03% so với cùng kỳ. Thu mới ngân sách trong năm 2019 ước thực hiện gần 300 tỷ đồng, đạt 105% so với dự toán được giao.
Quốc lộ 14 đi qua huyện Phú Giáo tỉnh Bình Dương. |
Để đạt được những kết quả đó, thời gian qua Phú Giáo đã triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội giai đoạn 2000-2015, thực hiện quy hoạch đô thị Phước Vĩnh với các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể hàng năm theo thứ tự ưu tiên tư phù hợp cho sự phát triển. Nhờ vậy, sau 20 năm xây dựng và phát triển, Phú Giáo đã đạt được những kết quả vượt bậc về mọi mặt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của tỉnh Bình Dương. Từ một huyện thuần nông nghiệp đến nay Phú Giáo đã quy hoạch 5 Cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 300ha, do đó đã thu hút lượng lớn nhà máy và người lao động đến đây sinh sống và làm việc. Từ đó kéo theo nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2010-2015, ngành Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện Phú Giáo đã có bước chuyển biến tích cực, đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành Công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp với các tỷ lệ hiện nay là nông nghiệp giảm còn 40,5%, công nghiệp - xây dựng tăng lên 31,5%, thương mại - dịch vụ 28%.
Trong công tác điều chỉnh sử dụng đất đến năm 2020, huyện đã và đang thực hiện theo Công văn số 173/TTg/KTN ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Bình Dương đến năm 2020 để thành lập 1 Khu công nghiệp trên địa bàn huyện với quy mô 500ha.
Ông Đoàn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết: “Sự phát triển của Phú Giáo trong 20 năm đồng bộ và toàn diện, với những kết quả vượt bậc; nhưng thành tựu lớn nhất sau 20 xây dựng và phát triển của Phú Giáo hiện nay chính là sự đồng bộ và hoàn thiện về hệ thống điện, đường, trường, trạm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Trong đó, hệ thống y tế, giáo dục được đầu tư theo hướng chuẩn quốc gia. Hệ thống giao thông trục chính của huyện được đầu tư theo hướng BOT rất thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa. Nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển suốt 20 năm qua là huyện Phú Giáo đã tập trung đầu tư khá đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển và đời sống của nhân dân; hệ thống đường nội ô thị trấn Phước Vĩnh được đầu tư nhựa nóng, khang trang, sạch đẹp. Các tuyến đường huyện đã được đầu tư nhựa hóa 100%, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại sản xuất và thu hút, mời gọi đầu tư. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, trong đó ưu tiên cho các công trình giao thông, đô thị, giáo dục, y tế và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân”.
Hạ tầng giao thông giúp bất động sản phát triển
Trong chương trình phát triển đô thị Bình Dương thì huyện Phú Giáo được xác định là đô thị vệ tinh Thủ Dầu Một, do đó thời gian qua Bình Dương cũng đã đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại. Toàn huyện có 789 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài khoảng 1.000km, tất cả đã được thảm nhựa hoặc bê tông hóa. Đặc biết tuyến ĐT 741(Quốc lộ 14) đi qua địa bàn Phú Giáo đã được đầu tư mở rộng trở thành tuyến giao thông huyết mạch, kết nối với trung tâm thành phố mới Bình Dương với các đô thị khác trong tỉnh cũng như kết nối với Bình Phước và Tây Nguyên.
Ngoài các tuyến đường giao thông hiện hữu thì mới đây UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch ngành giao thông vận tải tỉnh Bình Dương tuyến Tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng quy mô 6 làn xe. Đây là Tuyến kết nối các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng có điểm đầu tuyến tại ngã 3 Tân Thành, ĐT 746 (cách trụ sở UBND xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên khoảng 100m), điểm cuối tuyến tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 47,35km, trong đó đoạn qua huyện Bắc Tân Uyên dài 9,32km, huyện Phú Giáo dài 29,38km và huyện Bàu Bàng dài 8.648km.
Nhờ lợi thế về hạ tầng giao thông nên nhiều nhà đầu tư bất động sản đã nhanh nhạy đón đầu xu hướng phát triển các khu đô thị, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trên địa bàn. Điển hình là dự án Khu đô thị Green City do Công ty Cổ phần địa ốc Nam Phát phát triển ngay Quốc lộ 14 với quy mô hơn 10ha.
Trong đồ án quy hoạch chung đô thị Phước Vĩnh - Vĩnh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của huyện Phú giáo xác định đây sẽ là đô thị vệ tinh của thành phố Thủ Dầu Một; đô thị trung tâm của khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc tỉnh Bình Dương, là trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại - dịch vụ, y tế và quốc phòng - an ninh của huyện Phú Giáo. Do đó đô thị phát triển theo hướng công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và nông nghiệp công nghệ cao.