Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản - cho biết, trong hai tháng đầu quý III/2023 đã có 5.000 lượt giao dịch bất động sản. Trong giai đoạn khó khăn đây là con số đáng khích lệ, tạo động lực cho thị trường bất động sản quý IV/2023 và quý I/2024 có cơ hội phục hồi rõ nét hơn.
Đến thời điểm này, thị trường bất động sản vẫn trong giai đoạn trầm lắng, tuy nhiên trạng thái thị trường đã có sự thay đổi so với thời điểm cuối 2022 - đầu 2023.
Giai đoạn trước, cùng với sự “đổ bể” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và khủng hoảng niềm tin của khách hàng, áp lực trả nợ với các doanh nghiệp, Bất động sản lớn đến mức đe dọa sự tồn tại của họ trên thị trường. Cho đến nay, áp lực này đã “nhẹ gánh” hơn. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế về thị trường bất động sản hiện nay và dự báo thời gian tới.
GS.TS. Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Ủy ban tài chính Ngân sách của Quốc hội - nhận định, trạng thái của thị trường đã thay đổi, đi qua giai đoạn trầm lắng.
Dù không phải đối diện với những nguy cơ suy thoái, nhưng sự phục hồi của thị trường cũng chỉ tương đối, dần ổn định nhưng chưa bứt phá, chỉ dừng ở mức cầm chừng.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - cho biết, theo khảo sát của Hiệp hội, trong gần hai năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư gặp khó khăn, bị suy giảm mạnh về thanh khoản.
Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án đình trệ, dòng tiền tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng.
Những doanh nghiệp bất động sản còn bám trụ trên thị trường đã có hành trình tái cấu trúc mạnh mẽ, đổi mới và thích ứng mới để đem lại những luồng sinh khí mới thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục.
“Đến thời điểm tháng 9.2023, những điểm sáng tích cực trên thị trường đã dần xuất hiện. Tâm lý của các nhà đầu tư đã có dấu hiệu khôi phục tốt hơn giai đoạn trước”, TS. Nguyễn Văn Khôi nhận định.
Còn TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) - cho biết, thị trường bất động sản thời gian qua vô cùng khó khăn.
Sức khoẻ của các doanh nghiệp bất động sản cũng suy yếu nghiêm trọng. Để có thể tồn tại, các doanh nghiệp đã phải cắt giảm số lượng nhân sự, các khoản chi tiêu, thậm chí phải dừng vô thời hạn nhiều dự án.
Dẫn số liệu khảo sát 500 doanh nghiệp kinh doanh, phát triển bất động sản của VARS, ông Đính cho biết, có khoảng 23% doanh nghiệp chỉ có thể “cầm cự” được hết quý III năm nay và 43% doanh nghiệp chỉ có thể “cầm cự” đến hết năm 2023 nếu Chính phủ không có các chính sách điều hành vĩ mô quyết liệt và việc thực thi chính sách nhanh chóng, hiệu quả.
Tuy nhiên, nhận định về khả năng hồi phục của thị trường bất động sản tại thời điểm này, TS. Nguyễn Văn Đính vẫn cho rằng, thị trường đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tốt hơn.
Theo ông Đính, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, thị trường bất động sản đang ghi nhận các chuyển biến tích cực.
Cụ thể, quý I nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng, gần như “đứng im”, chỉ có hơn 2.000 giao dịch trên thị trường thì sang quý II đã có nhiều dự án chào bán trở lại, với khoảng 3.700 giao dịch thành công.
Con số này tiếp tục tăng trong hai tháng đầu quý III với hơn 5.000 giao dịch thành công và khoảng 300 dự án trên toàn quốc đã ra hàng mở bán.
"Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư đang quay trở lại. Đây là những cơ sở để khẳng định, từ quý III năm nay, thị trường đã phát đi nhiều tín hiệu đáng mừng.
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, vài nghìn đã là một con số đáng khích lệ, tạo động lực cho thị trường bất động sản quý IV/2023 và quý I/2024 có cơ hội hồi phục rõ nét hơn”, ông Đính nói.